Trong không khí nô nức phấn khởi chào đón Tân sinh viên khóa
22 (năm học 2017 - 2018) của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN, PV Trung tâm
truyền thông đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Quế Lượng (Phó chủ tịch HĐQT và là Phó Hiệu trưởng Nhà trường)
về thành tích nổi bật của trường trong năm học vừa qua cũng như định hướng phát
triển trong những năm tới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TS. ĐỖ QUẾ LƯỢNG - PHÓ
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH KINH DOANH VÀ CÔNG NGHỆ HN:
LUÔN ĐẶT CHẤT
LƯỢNG ĐÀO TẠO LÊN HÀNG ĐẦU

- PV: Thưa TS. Đỗ Quế Lượng, trong năm học 2016 - 2017, Trường ĐH Kinh
doanh và Công nghệ HN đã có những thành công nổi bật nào? Thầy có thể chia sẻ
ngắn gọn về một số kết quả tiêu biểu?
Năm học 2016 - 2017 là năm Trường Đại học Kinh doanh và Công
nghệ Hà Nội kỷ niệm 20 năm thành lập trường. Những thành tích đó đã được nêu rõ
trong Lễ kỷ niệm này, cụ thể như sau:
Đội ngũ giảng viên ngày một đông và có chất lượng hơn. Hiện
nay, trường có 30% giảng viên có trình độ cao từ Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư
và 70% giảng viên có trình độ Thạc sĩ trở lên.
Số đông sinh viên học tập chăm ngoan, khoảng 70% - 80% có kết
quả học tập xếp loại khá trở lên. Sau 20 năm, trường cũng đã có hơn 60.000 sinh
viên đã ra trường. Và sau khi tốt nghiệp, thường chỉ sau một năm là các em đều
có việc làm. Tình trạng thất nghiệp không xuất hiện, nếu có cũng rất ít. Bên cạnh
đó cũng có rất nhiều em vẫn đang tiếp tục học lên cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hoặc
đi du học...
Cơ sở vật chất của trường ngày càng khang trang, đầy đủ hơn, đáp
ứng được việc mở rộng các ngành nghề. Trong năm 2016 - 2017, chúng ta đã tập
trung trong việc mở hai khoa là Y đa khoa và Dược. Đây là một ngành nghề đặc biệt
vì liên quan đến sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về việc này
chưa thực sự đầy đủ. Họ ngạc nhiên vì sao Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN lại
được đào tạo cả Y và Dược. Nhưng trong năm đó, GS. Hiệu trưởng Trần Phương cũng
đã có buổi họp báo giới thiệu về việc đào tạo Y, Dược. Giáo sư cho rằng: “Khoa Y, Dược được coi như là những trường
nhỏ trong một trường lớn. Vì vậy, tất cả đội ngũ giảng viên từ Trưởng khoa, Phó
trưởng khoa tới đội ngũ cán bộ - kỹ thuật
viên đều là những người có kiến thức chuyên sâu về Y và Dược”.
Trong năm học vừa qua cũng như trong 20 năm phát triển, chất
lượng đào tạo của trường ngày càng tốt hơn. Số lượng sinh viên ngày càng đông,
thành tích đào tạo tốt nên được xã hội thừa nhận, trường vinh dự được đón các đồng
chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm. Cụ thể là tháng 3/2016, Trường ta đã
vinh dự đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc; Tháng 12/2016,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đến dự Lễ
kỷ niệm 20 năm thành lập trường và trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho nhà
trường. Đó là một vinh dự lớn của thầy và trò Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ
HN!
- PV: Hiện nay, tình trạng lười học của đại bộ phận sinh viên
nói chung đang là vấn đề đau đầu của các trường đại học. Vậy Trường ĐH Kinh
doanh và Công nghệ HN đã có những phương pháp nào để giảm thiểu tình trạng này?
Đối với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN thì tình trạng
sinh viên lười học cũng chiếm khoảng trên 20%. Thực tế hiện nay là có một số sinh
viên ham học ít, ham chơi nhiều. Đại bộ phận các em sinh viên HUBT đều chăm chỉ
học tập và rèn luyện. Để giảm thiểu tình trạng này, nhà trường đã áp dụng
chương trình “dấu vân tay” để quản lý giờ giấc học tập của sinh viên. Bên cạnh
đó, nhà trường cũng yêu cầu các giảng viên trong bất cứ giờ học nào mà thấy trống
chỗ nhiều thì có quyền điểm danh để phát hiện những sinh viên không đi học.
Một thực tế là nếu các em lười học thì điểm sẽ thấp. Điểm thấp
thì nhà trường sẽ dựa vào các mức độ khác nhau để đưa ra những mức kỷ luật khác
nhau. Ví dụ, nếu năm đầu các em không đạt điểm tổng kết từ 3,5 trở lên, năm thứ
2 dưới 4,0 điểm, năm thứ 3 là 4,5 điểm thì nhà trường sẽ buộc các em phải thôi
học. Một phương pháp khác rất hiệu quả nhằm khích lệ tinh thần học tập, giảm
thiểu tình trạng lười học mà nhà trường đang áp dụng đó là tuyên dương, khen
thưởng những em có thành tích học tập tốt, rèn luyện tốt: Từ 7,0 điểm trở lên được
xếp loại khá, từ 8,0 điểm trở lên được xếp loại giỏi và từ 9,0 điểm trở lên được
xếp loại xuất sắc. Ngoài ra, những sinh viên nào đạt điểm từ 7,0 trở lên có ý
tưởng và tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và lao động sáng tạo sẽ nhận
được những suất học bổng giá trị từ Quỹ học bổng Kawai của nhà trường.
Như vậy, nhà trường đã và đang áp dụng các hình thức kỷ luật
cụ thể đối với những sinh viên lười học và có những hình thức khen thưởng xứng
đáng cho sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện tốt và xuất sắc.
- PV: Sinh viên tốt nghiệp từ những trường dân lập rất khó
xin được việc làm trong các cơ quan nhà nước vì họ cho rằng chất lượng đào tạo
của trường dân lập không thể bằng được trường công. Thầy có nhận xét gì về điều
này? Và HUBT đã làm cách nào để đạt được con số là 98% sinh viên ra trường có
việc làm ngay như hiện nay?
Việc phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư hiện nay
là có thật ở một số địa phương và một số Bộ, Ngành. Ví dụ như trước đây ở Nam Định
có sự phân biệt đó thì lập tức chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ và Bộ Giáo dục
& Đào tạo. Sau đó Chính phủ cũng đã có biện pháp uốn nắn với địa phương đó.
Trong chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước không hề có
phân biệt đối xử, miễn sao học giỏi là được, nhưng đối với một số lãnh đạo thì trong
họ vẫn còn tồn tại sự phân biệt này. Theo tôi, vấn đề là tuyển chọn một người
trình độ họ ra sao, tài năng thế nào, có kiến thức không chứ không phải là họ học
từ trường nào ra.
Để tránh tình trạng phân biệt đối xử này, đề nghị với cấp
trên là nên tổ chức thi tuyển công khai minh bạch, ai có kiến thức, năng lực tốt
thực sự thì sẽ trúng tuyển. Và rất là may mắn cho sinh viên trường ta là có nhiều
em đã thi trúng tuyển vào làm việc ở các Bộ, các Ngành, các địa phương (đã có
em thi được vào làm việc ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài
chính...) Vì vậy, tôi thấy nếu thật sự không phân biệt đối xử giữa sinh viên
trường công và trường tư thì không có vấn đề gì cả.
- PV: Có quan điểm cho rằng: Sinh viên chỉ cần học tốt ngoại
ngữ và công nghệ thông tin thì sẽ kiếm được việc làm. Thầy nghĩ sao về quan điểm
này? Theo Thầy thì quan điểm này có phù hợp với xã hội hiện nay?
Thực ra theo tôi thì quan điểm như vậy chưa thật sự là đúng.
Trường ta cũng đào tạo chuyên môn giống như các trường khác. Bên cạnh đó trường
dành khối lượng đáng kể để đào tạo Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin (CNTT) nhiều
hơn các trường khác. Và khi ra trường, chưa nói đến chuyên môn như thế nào
nhưng nếu các em có vốn ngoại ngữ tốt và kiến thức về CNTT giỏi thì cũng đã có
thể làm việc cho một số cơ quan chuyên về lĩnh vực Nhà hàng - Khách sạn, Hàng không,
Du lịch...
Nếu học tốt các chương trình ở trường ta, trong đó học tốt Ngoại
ngữ và CNTT thì cơ hội các em tìm được việc làm đúng chuyên ngành của mình học
là rất cao.

Ảnh 4 tòa nhà A,B,C,D tại cơ sở Vĩnh Tuy
- PV: Xin Thầy chia sẻ về những kế hoạch phát triển của nhà
trường trong tương lai?
Hiện nay, nhà trường có 3 cơ sở đào tạo là Hà Nội, Bắc Ninh
và Hòa Bình. Dựa trên những cơ sở vật chất đã có, sắp tới nhà trường sẽ đi sâu
vào việc nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên nhiều hơn nữa. Cơ sở vật chất sẽ
được hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu học tập là 2m2/sinh viên
theo như Bộ quy định. Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn khuyến khích các giảng
viên học lên cao hơn nữa như: Cử nhân lên Thạc sĩ, Thạc sĩ lên Tiến sĩ để tiếp
tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Vừa rồi trường có mở thêm ngành Quản lý tài nguyên và môi trường
và Công nghệ kỹ thuật môi trường. Sắp tới, trường có thể sẽ tiếp tục mở thêm một
số ngành như: Điều dưỡng, Răng - Hàm - Mặt... Trường luôn đặt chất lượng đào tạo
lên hàng đầu để đưa thương hiệu cũng như hình ảnh của nhà trường lên một tầm
cao mới, vươn xa hơn nữa, góp phần vào công cuộc phát triển chung của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn TS. Đỗ Quế Lượng.
Thu Hương thực hiện