Những năm qua, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản toàn diện
giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học nước ta đã có những chuyển biến tích cực
khi số trường đại học đạt chuẩn kiểm định ngày càng tăng, chất lượng đào tạo
nhân lực được nâng lên đáng kể.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng là một trong những cơ sở đào tạo đã
và đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác Kiểm định chất lượng giáo dục (Đánh giá
ngoài) sắp tới.
PV Trung tâm Truyền thông đã có cuộc trao đổi
với GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng tự
đánh giá chất lượng giáo dục Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về
tình hình triển khai việc thực hiện tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục của
nhà trường theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc.

GS.TS. Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Thường
trực Hội đồng tự đánh giá chất lượng giáo dục Trường Đại học Kinh doanh và Công
nghệ Hà Nội
PV:
Sau một thời gian làm việc hết sức khẩn trương, tích cực, hiện nay việc tự đánh
giá chất lượng cơ sở giáo dục đang được nhà trường tiến hành như thế nào để phục
vụ cho công tác đánh giá ngoài sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới?
GS.TS.
Đinh Văn Tiến: Thực ra, Trường ĐH
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng đã tiến hành tự đánh giá từ lâu, nhưng chưa
thực sự đi vào bài bản. Trước đây, trường đã thực hiện công tác tự đánh giá
theo Thông tư cũ chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí. Nhưng dưới sự chỉ đạo của
Ban Giám hiệu, đứng đầu là GS. Hiệu trưởng Trần Phương, đã tiến hành thực hiện tự
đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn mới (Thông tư số 12 của Bộ GDĐT). Trong 3 năm vừa
qua, Trường đã thực hiện tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục một cách toàn
diện và quyết liệt.
Với
25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí, trên tất cả các phương diện ở 4 nội dung cơ bản:
Đào tạo và Quản lý Đào tạo; Nghiên cứu khoa học và Quản lý Nghiên cứu khoa học;
Hợp tác Quốc tế và Phục vụ cộng đồng. Trên 4 phương diện này, nhà trường đã tiến
hành tự đánh giá ở tất cả các tổ chức từ khoa, bộ môn, sinh viên cho đến phòng
ban, trung tâm.
Kết
quả sau 3 năm thực hiện, Nhà trường đã từng bước thay đổi cơ bản và hoàn thiện
trên mọi phương diện theo một quy chuẩn nhất định, có chiến lược đúng đắn, kế hoạch
rõ ràng, chương trình bài bản và minh chứng cụ thể.
Đặc
biệt, Nhà trường cũng tổ chức thực hiện, đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm ra
hướng khắc phục những yếu điểm, đưa ra phương pháp cải tiến, đổi mới trên 4 nội
dung trọng tâm như đã kể trên trong mọi việc. Có thể nói rằng, đến nay, Trường
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng
giáo dục bên trong. Bản báo cáo đã được gửi lên Cục Quản lý chất lượng của Bộ
GDĐT thẩm định, xem xét và đồng ý cho phép mời Kiểm định bên ngoài.
Báo
cáo (kèm theo minh chứng) này cũng đã được đăng tải trên Trang thông tin điện
tử chính thức của Nhà trường cũng như trên cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT.
Đến
nay, Trường đang tiếp tục thực hiện cải tiến sau tự đánh giá trên mọi phương
diện, nhất là đối với cán bộ, giảng viên của các khoa, các phòng ban để tiến
hành mời Trung tâm kiểm định giáo dục bên ngoài vào thẩm định, đánh giá trong
thời gian sắp tới. Trong suốt thời gian qua, Nhà trường đã tổ chức nhiều Hội
nghị phổ biến, tập huấn dành cho toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên,
sinh viên, học viên, giúp họ nhận thức đầy đủ, rõ ràng, chính xác về những nội
dung, vấn đề liên quan đến công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục và những
công việc phải thực hiện để phục vụ cho hoạt động đánh giá ngoài.
Ngoài
ra, Trường cũng đã ký hợp đồng với tổ chức Kiểm định giáo dục bên ngoài và đang
tích cực mời họ cử đoàn về để thực hiện đánh giá ngoài trong thời gian sớm nhất.
PV: Trong quá trình tự đánh giá với 25 tiêu chuẩn
và 111 tiêu chí của Bộ tiêu chuẩn mới, trường ta có gặp trở ngại nào khi thực không?
Nếu có, xin Giáo sư hãy chia sẻ rõ hơn?
GS.TS.
Đinh Văn Tiến: Khó khăn thứ nhất là những nội dung mà từ ngữ của Thông tư số 12 hay
hướng dẫn tự đánh giá chưa được cụ thể, rành mạch, khiến đội ngũ thực hiện tự
đánh giá chất lượng giáo dục của Nhà trường phải tranh luận, nghiên cứu khá nhiều.
Ngoài ra, có thể nhiều nội dung được dịch ra từ tiếng nước ngoài nên quá trình tìm
hiểu và thực hiện theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá này cũng gặp không ít khó khăn.
Khó khăn thứ hai, đó là Nhà trường thiếu tính lưu giữ, chuẩn hóa về minh chứng
để phục vụ cho hoạt động tự đánh giá. Nhiều công việc có làm thật sự
nhưng khi tìm lại minh chứng thì rất khó khăn. Ngoài ra, một số việc đã không được
thực hiện theo trình tự 4 bước bài bản: Kế hoạch ra sao? Tổ chức thực hiện thế
nào? Đánh giá, cải tiến chất lượng như thế nào?... Nếu như mọi việc đều được làm
theo như vậy thì quá trình tự đánh giá chất lượng sẽ đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên,
nhiều năm nay Trường ta chưa làm được như vậy.
Vì
vậy, các thành viên của Hội đồng tự đánh giá chất lượng giáo dục của Nhà trường
đã phải rất tích cực thu thập thêm minh chứng và hoàn thiện các báo cáo ở tất
cả các tiêu chí.

PV:
Kiểm định chất
lượng là hoạt động quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng và công khai,
minh bạch với cơ quan quản lý và xã hội đối với một trường đại học. Giáo sư nhận
định như thế nào về quan điểm này? Công
tác tự đánh giá chất lượng giáo dục đã mang lại giá trị tích cực
như thế nào đối với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội?
GS.TS.
Đinh Văn Tiến: Trong phát triển giáo dục đại học trước
đây, phần lớn các trường đại học chưa thật sự chú ý đến những điều kiện bảo đảm
chất lượng cũng như kết quả sản phẩm đầu ra là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ
phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng nhân lực trong xu
thế hội nhập hiện nay đòi hỏi các trường đại học cần có sự chuẩn hóa, đào tạo
nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội. Kiểm định chất lượng là một quá trình xem xét
chất lượng giáo dục đại học từ bên ngoài, để khảo sát, đánh giá, từ đó giúp các
trường đại học cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.
Chính vì vậy, công tác đảm bảo chất
lượng giáo dục phải được tiến hành thường xuyên. Là một người công tác trong
lĩnh vực giáo dục đào tạo nhiều năm, tôi nhận thấy rằng, nếu một tổ chức giáo dục
đại học mà không tiến hành kiểm định thì không ổn hay nói cách khác là sẽ bị “tụt
hậu”. Do đó, Kiểm định chất lượng giáo dục chính là một công việc nhằm giúp
nâng cao chất lượng đào tạo và cũng là nhiệm vụ sống còn của một trường đại học.
Đối với Trường ĐH Kinh doanh và
Công nghệ Hà Nội, kiểm định chất lượng rõ ràng đã làm thay đổi cơ bản nhiều
phương diện, nhất là trong 3 năm vừa qua. Chương trình đào tạo đi vào bài bản
hơn, đánh dấu một bước chuyển mình rõ rệt, đó là thực hiện quy trình đào tạo
theo hệ thống tín chỉ.
Nghiên cứu khoa học hoạt động trên
mục tiêu là phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu, nâng cao chất lượng từ các đề tài liên
quan đến lĩnh vực đào tạo của Trường cho tới các bài báo, hội thảo khoa học, khảo
sát thực tiễn,… Tất cả điều đó cũng đã làm cho Nhà trường thay đổi rất căn bản.
Đối với Hợp tác quốc tế cũng như vậy.
Nếu
trước đây việc hợp tác quốc tế chỉ dừng lại ở những chuyến thăm, làm việc thông
thường thì sau khi thực hiện vào công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục, Nhà trường đã chú trọng nhiều hơn nữa vào nhiệm vụ hợp
tác quốc tế, thông qua việc ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển Trường ĐH
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (Giai đoạn 2018 - 2022) và tầm nhìn đến 2030,
trong đó có kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về các hoạt động đối ngoại, mở rộng, phát
triển các hoạt động hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học tiên tiến
trong khu vực châu Á và thế giới; Thiết lập chương trình liên kết đào tạo thiết
thực, có hiệu quả; Có kế hoạch mời một số nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là
các nhà khoa học gốc Việt thường xuyên giảng dạy, nghiên cứu tại trường; Tạo điều
kiện cho các giảng viên của Trường tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại
nước ngoài; Mở rộng hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường nước
ngoài, tiếp nhận sinh viên, học viên nước ngoài, nhằm gia tăng số lượng sinh
viên nước ngoài học tập, nghiên cứu tại trường. Đồng thời, Nhà trường cũng tổ
chức cho sinh viên, học viên Việt Nam du học ở nước ngoài theo chương trình
liên kết hợp tác đào tạo.
Về các hoạt động Phục vụ cộng đồng,
nếu như trước đây Trường chỉ dừng lại ở việc hiến, tặng, giúp đỡ những người có
hoàn cảnh khó khăn thì đến nay, thông qua tự đánh giá và cải tiến chất lượng, Phục
vụ cộng đồng được Trường triển khai trên nhiều phương diện từ tư vấn chính
sách, chuyển giao công nghệ đến phổ biến kiến thức.v.v… Ví dụ như trường đã mở
lớp đào tạo chứng chỉ tin học theo quy định của Bộ GDĐT cho các tổ chức, cộng đồng,
đặc biệt là cho các cán bộ thuộc 2 quận lân cận và một số địa phương khác đạt kết
quả và hiệu ứng lan tỏa tốt đẹp.
Bám
sát Thông tư số 12, Trường đã thành lập Ban hoạt động Phục vụ cộng đồng do
Chánh Văn phòng làm trưởng ban, thành viên các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh
niên, Hội sinh viên) và đại diện các phòng ban là ủy viên, với nhiệm vụ hướng
dẫn, hỗ trợ, kiểm soát các hoạt động này. Các kế hoạch kết nối và phục vụ cộng
đồng được triển khai, giám sát thường xuyên thông qua mạng lưới các thành viên
của Ban Phục vụ cộng đồng (mỗi đơn vị 01 lãnh đạo và cán bộ hỗ trợ Phục vụ cộng
đồng). Các đơn vị lập kế hoạch phục vụ cộng đồng hàng năm, sau mỗi đợt hoạt
động, Nhà trường tổ chức họp đánh giá rút kinh nghiệm, đề ra hướng cải tiến
nhằm tìm kiếm thêm và làm phong phú hơn loại hình phục vụ cộng đồng.
Chính vì vậy, uy tín cũng như
thương hiệu của Nhà trường được nâng lên rất cao trong hệ thống giáo dục quốc
dân cũng như trong xã hội.
PV: Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học
sắp tới sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với trường ta?
GS.TS.
Đinh Văn Tiến: Những điều kiện bảo đảm chất lượng của
trường đại học được chú trọng gồm: đội ngũ; chương trình đào tạo, giáo trình,
tài liệu; phòng học, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm; nguồn lực
tài chính… Quá trình kiểm định các trường thực hiện đầy đủ theo 4 bước: tự đánh
giá, đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận đạt chuẩn.
Vì vậy, tôi quan điểm
rằng, thứ nhất, đảm bảo chất lượng giáo dục là công việc thường xuyên, liên tục. Nếu được
công nhận đạt chuẩn chất lượng đào tạo, vị thế của trường được tăng lên, tạo ra
uy tín trong xã hội.
Thứ hai, trường sẽ có được quyền
tự chủ rất cao về nhiều mặt của đào tạo đại học như việc tổ chức kiểm tra,
thanh tra; xây dựng chương trình đào tạo; mở mã ngành đào tạo; xác định chỉ
tiêu đào tạo của các khối (Đại học chính quy, Thạc sĩ, Tiến sĩ…).
Hợp tác quốc tế cũng vậy, Nhà trường
sẽ được chủ động hợp tác với các tổ chức giáo dục và trường đại học của nước
ngoài. Đương nhiên là mọi việc đều được thực hiện dưới sự quản lý của Bộ GDĐT
nhưng việc chủ động trong các lĩnh vực là rất cần thiết đối với nhà trường. Và
chỉ có kiểm định chất lượng mới có thể nâng được vấn đề tự chủ của một trường đại
học.

PV:
Nếu được công nhận là trường đại học đạt chuẩn chất lượng đào tạo, Trường Đại học
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ có chiến lược phát triển như thế nào để thu
hút nhiều sinh viên đến học tập hơn nữa?
GS.TS.
Đinh Văn Tiến: Trước hết, Trường
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sẽ phải nâng cao chất lượng và số lượng đội
ngũ giảng viên giảng dạy trình độ Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Ngoài ra, việc
nâng cao năng lực quản lý của các phòng ban, các bộ phận trực tiếp đào tạo như
các Khoa, Viện đào tạo khác trong toàn trường cũng rất quan trọng. Đồng thời, trường
cũng phải tiếp tục hiện đại hóa các cơ sở, trang thiết bị, kỹ thuật, đặc biệt
là áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua hoạt động học và thi trực tuyến
để có điều kiện mở rộng, nâng cao quy mô đào tạo không chỉ bên trong mà còn ở cả
bên ngoài Nhà trường. Bởi nếu có hệ thống đào tạo trực tuyến bài bản như vậy và
được Bộ GDĐT cho phép, Nhà trường hoàn toàn có thể nâng cao chỉ tiêu đào tạo.
Một
chiến lược phát triển quan trọng nữa đó là phải đưa chương trình đào tạo sát với
thực tế sản xuất kinh doanh, hoạt động xã hội, đảm bảo cho người học sau khi tốt
nghiệp ra trường đều có công ăn việc làm, cống hiến công sức cũng như trí tuệ của
họ cho xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó giúp nâng cao vị thế,
thương hiệu của Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và xã hội
nói chung./.
Xin
trân trọng cảm ơn GS.TS. Đinh Văn Tiến!
Thu Hương thực hiện