Thực hiện ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ được truyền đạt tại Công văn số 4436/VPCP-KGVX ngày
3/6/2013 về sự cần thiết tổng kết 20 năm giáo dục đại học ngoài công lập, ngày
11/10/2013 Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam đã tiến
hành tổng kết 20 năm hình thành và phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
(1993-2013). Đã hơn 3 năm, tình hình các trường ĐH, CĐ ngoài công lập vẫn loay
hoay trong vòng chật hẹp của cơ chế, sự ràng buộc của các văn bản luật và dưới
luật, các thông tư hướng dẫn, cách quản lý gò bó và tư duy lãnh đạo trì trệ, lạc
hậu. Nhận thức rõ vấn đề này, sáng ngày 22/12, Hiệp hội các trường đại học, cao
đẳng Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo TW tổ chức Hội thảo chủ đề: “Thực
trạng và giải pháp cấp thiết củng cố và phát triển các trường Đại học, cao đẳng
ngoài công lập” tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Tham dự buổi Hội thảo:
Về phía đại biểu có: GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; TS. Lê Khắc
Hưng - Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn
hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội; PGS. TS Trần Quốc Toản
- Hội đồng lý luận Trung ương; GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường
đại học, cao đẳng Việt Nam; PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch. Về phía các
trường Đại học có: GS.TSKH Đặng Ứng Vận - Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình; TS.
Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT; GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - Chủ tịch
HĐQT Trường ĐH Thăng Long cùng đại diện các Trường ĐH, CĐ trên khắp cả nước. Về
phía trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội gồm có: GS - Hiệu trưởng Trần
Phương; Các Phó hiệu trưởng: TS. Đỗ Quế Lượng; GS.TS Vũ Văn Hóa; GS.TS Đinh Văn
Tiến; PGS. TS Hà Đức Trụ; TS. Lê Khắc Đóa cùng đại diện một số khoa, đơn vị
trong nhà trường.

GS. Trần Hồng Quân Chủ tịch Hiệp hội
Theo báo cáo của GS.
Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội, ông đã nêu rõ những kết quả đạt được trong
việc: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về Giáo dục Đại học ngoài công lập,
cụ thể “Nghị quyết 2 BCHTW Đảng khóa VIII khẳng định: “Tiếp tục phát triển các
trường dân lập ở tất cả các bậc học...trong đó đặc biệt là bậc giáo dục đại học...”;
Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến
khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế,
văn hóa, thể thao, môi trường. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi,
bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn song vẫn còn tồn tại những bất cập lớn
như: Sự phân biệt đối xử giữa sinh viên công lập và ngoài công lập về mặt đãi
ngộ của nhà nước; một số quy định thiếu cụ thể, kém khả thi, chưa đi vào cuộc sống,
gây khó khăn cho hoạt động của các trường ngoài công lập. Về chất lượng của
giáo dục đại học ngoài công lập đã thực hiện tốt: Điều kiện đảm bảo chất lượng
đào tạo từng bước được cải thiện; Công tác quản lý chất lượng đào tạo có bước đổi
mới; Hoạt động NCKH chuyển giao công nghệ đã góp phần nâng cao tiềm lực KH-CN của
các cơ sở giáo dục ĐH, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất cập như:
Đội ngũ giảng viên tại các trường ngoài công lập là những người cao tuổi, ít giảng
viên trẻ; Hoạt động NCKH chưa được coi trọng và gắn kết với công tác đào tạo;
Công tác quản trị nhà trường còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp.

GS-Hiệu trưởng Trần Phương trường Đai học kinh doanh và công nghệ Hà Nội
Đại diện Trường ĐH
Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, GS-Hiệu trưởng Trần Phương đã có những chia sẻ
rất thẳng thắn về vấn đề tự chủ trong các trường ĐH ngoài công lập nói chung và
trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN nói riêng. GS cho rằng: “Hiệp hội các trường
ĐH, CĐ nên khuyến khích các trường ĐH nên chuyển sang trường phi lợi nhuận và
hưởng lợi nhuận theo như trái phiếu Chính phủ...Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ
HN phải tập hợp vốn góp của trên 800 cán bộ giảng viên mới có được trên 100 tỷ,
nhờ đó, xây dựng một cơ sở khang trang như hiện nay vì trường chúng tôi là một
tổ chức hợp tác của các nhà giáo, đồng thời họ cũng là những người góp tiền làm
vốn cho hoạt động của trường. Ngay từ đầu thành lập, đã xác định mục đích tối
thượng của mình là “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Sự thành công của một trường ĐH không phụ thuộc vào những người có nhiều vốn
góp mà phụ thuộc vào những người có tâm
có tài. GS cũng tỏ rõ quan điểm: Cần phải tăng cường giáo dục ĐH ở nước ta chứ ko cần phải thu hẹp
lại vì nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh CNH nhất là các ngành kỹ thuật-công
nghệ, so với các nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua
20-30 năm phát triển rất mạnh ĐH-CĐ mới vươn lên được trình độ CNH. Trong khi
đó, ở nước ta hiện nay, tỷ lệ người có trình độ ĐH-CĐ vẫn còn quá thấp. GS cũng
kiến nghị với các Bộ, Ngành: Nên tăng 150-160 Tín chỉ cho 4 năm đào tạo ĐH thay
vì 120-130 Tín chỉ như Bộ GD&ĐT đang quy định để sinh viên được trang bị kiến
thức một cách toàn diện, khi ra trường họ sẽ có việc làm ngay; Nâng mức điểm
thi hết môn, điểm trung bình chung toàn khóa lên mức 7 điểm thay vì 5 và 6 điểm
như hiện nay; Đề nghị mọi sinh viên phải bảo vệ Luận văn tốt nghiệp mới được cấp
bằng tốt nghiệp.
Nhận định của Bà
Nguyễn Thị Bình - Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa Bình trong bài “Cần
quán triệt định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển loại hình ĐH không vì
lợi nhuận”: Theo Nghị quyết 5/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, nhà nước chủ trương
“phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cả cơ chế lợi nhuận và
cơ chế phi lợi nhuận, nhưng đặc biệt khuyến khích phát triển các cơ sở phi lợi
nhuận. Xu hướng GDĐH không vì lợi nhuận không chỉ được Đảng và Nhà nước ta khuyến
khích vì phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình
triển khai xây dựng các đại học tư thục, định hướng của Đảng và Nhà nước chưa
được quán triệt do Nhà nước vẫn còn “nợ”
xã hội các quy định về hành lang pháp lý cho sự ra đời của các trường ĐH tư thục
không vì lợi nhuận.
Tại Hội thảo, đại diện
một số trường ĐH ngoài công lập trên khắp cả nước cũng bày tỏ một số quan điểm,
thực trạng đang còn tồn tại trong trường ĐH của mình và kiến nghị với Chính phủ
và Bộ, Ngành về những giải pháp nhằm tăng cường công tác tuyển sinh, tự chủ
trong các trường... TS. Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng trường ĐHDL Phú Xuân (Huế)
bày tỏ “Các trường công lập được Nhà nước đầu tư đứng tốp trên trong tuyển
sinh. Đối với các trường ngoài công lập, sinh viên ra trường không được nhận
vào làm tại sở nội vụ của tỉnh, thành, vậy là chúng tôi bị “khóa đầu, còng
đuôi”. Thống nhất trên quan điểm phát triển GDĐH không vì lợi nhuận định hướng
XHCN và tiến tới CNH-HĐH, tất cả các trường ĐH,CĐ đều đồng thuận và lấy đó là
tôn chỉ hoạt động cho mình trong tương lai.
Sau khi nghe tất cả
những tâm tư nguyện vọng của đại diện các Trường ĐH, CĐ ngoài công lập, GS.TSKH
Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT hoan nghênh các ý kiến đóng góp đó và nêu
rõ: Hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập ở nước ta đã đóng góp rất lớn vào công
cuộc đổi mới theo xu hướng xã hội hóa. Quy mô sinh viên của các trường ngoài
công lập chiếm 13-14% tổng quy mô sinh viên của cả nước. Hiện nay chúng ta có 9
trường ĐH dân lập và 51 trường ĐH tư thục trong tổng số 240 trường ĐH của cả nước.
Một thực tế cho thấy, số lượng giảng viên cơ hữu tại các trường ĐH ngoài công lập
đang tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn:
Thứ
nhất là Cơ sở vật chất, một số trường ĐH ngoài công lập đã đầu tư xây dựng rất
khang trang, tuy nhiên vẫn còn một số trường không được đầu tư, phải đi thuê mướn,
không được đầu tư theo đúng lộ trình.
Thứ
hai là Chiến lược phát triển lâu dài, một số trường có khó khăn trong việc tuyển
sinh, vì vậy nên các trường cần có một chiến lược cụ thể, lâu dài để khắc phục.
Thứ
ba là Bất cập trong quản lý, hiện nay một số trường có sự mâu thuẫn nội bộ kéo
dài, khiếu kiện vượt cấp làm cho uy tín, hình ảnh của nhà trường sút giảm.
Thứ
tư là Việc triển khai một số nghị quyết về chuyển đổi mô hình ĐTĐH dân lập sang
ĐTĐH tư thục còn khó khăn.
Thứ trưởng cho rằng:
“Mô hình phát triển giáo dục tư thục không vì lợi nhuận là rất phù hợp với xu
thế hiện nay. Mặc dù đến nay không cho phép mở thêm trường ĐH công lập nhưng đối
với những trường ĐH tư thục lớn, không lợi nhuận, được đầu tư cao thì Bộ luôn
khuyến khích. Thứ trưởng cũng khẳng định Bộ GD&ĐT luôn coi giáo dục ĐH của
trường công lập và ngoài công lập như nhau, không hề có sự phân biệt đối xử
nào. Trong viêc đào tạo cán bộ giảng dạy, Bộ vẫn dành suất đào tạo cho cán bộ
giảng viên của các trường ĐH ngoài công lập như các trường ĐH công lập.
Qua đó, Thứ trưởng
yêu cầu: Các địa phương hỗ trợ các chính sách cần thiết cho các trường ĐH về vấn
đề đất dai, thuế; Bộ tài chính hỗ trợ cho các trường thông qua hỗ trợ cho sinh
viên như đối với sinh viên của các trường ĐH công lập; Các trường phải cam kết
các vấn đề về đầu tư, xây dựng các vấn đề phát triển lâu dài, thực hiện các quy
định về pháp luật; Xây dựng hệ thống quản trị ĐH lành mạnh, đoàn kết, tránh mâu
thuẫn nội bộ để phát triển một cách lâu dài.