Yêu cầu đào tạo thạc sỹ
Thạc sĩ là từ để chỉ người có học vấn
rộng (thạc = rộng lớn; sĩ = người học hay nghiên cứu), dùng để chỉ một bậc học
vị. Học vị thạc sĩ trong tiếng Anh được gọi là Master, một học vị trên cấp cử
nhân, dưới cấp tiến sĩ. Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam, học vị này được
gọi là học vị "cao học". Và hiện nay nhiều người trong chúng ta vẫn
sử dụng thuật ngữ này.
Đào tạo thạc sĩ là để bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học ở đại
học cho học viên, hiện đại hóa những kiến thức chuyên ngành, tăng cường kiến
thức liên ngành, có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu
khoa học trong chuyên ngành đào tạo.
Những người có trình độ thạc sĩ là
những người có trình độ chuyên ngành vững chắc. Sau khi được học nâng cao và
cùng với kinh nghiệm làm việc đã tích lũy được, họ sẽ có thêm kiến thức liên
ngành và năng lực thực hiện công tác chuyên môn cũng như nghiên cứu khoa học
trong chuyên ngành đào tạo. Họ là những người làm việc chủ yếu trong linh vực đào tạo
và nghiên cứu khoa học ( cả khoa học xã hội - nhân văn, cả khoa học kỹ thuật –
công nghệ và khoa học cơ bản.
Luận văn thạc sĩ: đề tài luận văn thạc
sĩ là một vấn đề về khoa học, kỹ thuật hoặc quản lý cụ thể do cơ sở đào tạo
giao hoặc do học viên đề xuất, được người hướng dẫn đồng ý và được hội đồng
khoa học và đào tạo của khoa và của cơ sở đào tạo chấp nhận .
Thực tế
hiện nay
Thực trạng đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ hiện nay ở
nước ta đã được phản ảnh khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng,
trên các diễn đàn khoa học chuyên ngành. Còn riêng ở trường ta người viết bài
này đã có 1 bài đăng trên Bản tin của trường trước đây. Hôm nay xin cung cấp
thêm một số thông tin mới được cập nhật.
Mục đích đi học thạc sỹ của học viên ở ta là gì? Không thể phủ nhận một điều
là đa số học viên đã có quan niệm và thực
hiện đúng mục tiêu đào tạo thạc sỹ, thực sự tiếp thu được nhiều điều mới, nâng
cao được kiến thức chuyên môn, và sau khi tốt nghiệp đều đã phát huy, phát triển
tốt kiến thức đã học vào công việc hàng ngày của mình. Một số anh chị em phấn đấu
không ngừng, tiếp tục tìm tòi, đi sâu nghiên cứu và đã bảo vệ thành công luận
án tiến sỹ. Một số đã đi tu nghiệp ở nước ngoài và đã tỏ ra không thua kém người
được đào tạo tại nước ngoài.
Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một tình trạng đáng buồn là mục tiêu đi học, chất lượng đào tạo, chất lượng
luận văn đang có những vấn đề khá nghiêm trọng.
Hiện nay,
nhu cầu đi học sau đại học để lấy tấm bằng thạc sĩ của nhiều người ngày càng
tăng. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đối với
một số người bằng thạc sỹ “hấp dẫn”
chủ yếu đang chỉ bởi tư cách là “giấy thông hành” bắt buộc cho sự thăng tiến. Cũng
rất đáng tiếc là số người dự định theo học sau đại học với toan tính có bằng cấp
cao để dễ bề tiến thân mà không phải vì thực sự đam mê nghiên cứu khoa học ngày
càng nhiều. Nhiều người thú thật “chẳng phải họ ham
học gì, mà là do không tìm được việc làm nên cứ tiếp tục học”. Thậm chí có
người không quan tâm xem ngành học đó có phù hợp với sở thích hay năng lực của
mình không, chỉ biết rằng đi học thạc sỹ sẽ có cơ may… đổi vận. Có người tốt
nghiệp ở Trung quốc về ngôn ngữ tiếng Trung về trường dạy tại khoa tiếng Trung
nhưng lại học thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh. Khi được hỏi những vấn
đề cơ bản về quản trị kinh doanh học viên đó không biết gì. Hay một học viên
làm việc tại khoa Công nghệ thông tin cũng học cao học quản trị kinh doanh. Vì
không biết gì về quản trị kinh doanh nên khi làm tiểu luận môn học chuyên ngành
đã giống bài của bạn cùng lớp và khi viết luận văn thạc sỹ đã chép toàn văn của
người khác chỉ thay đổi mỗi tên đơn vị lấy tư liệu để viết và tên người hướng
dẫn.
Nhiều
người thi vào cao học trường ta có chuyên môn không phù hợp nên phải học chuyển
đổi. Đó là điều cần thiết. Nhưng điều đáng nói là số tiết học chuyển đổi đó có
đủ để lấp lỗ hổng kiến thức cần có hay không. Đó còn chưa nói đến chuyện dạy ăn
bơt tiết giảng ( 3 môn học trong 2 ngày),học bớt buổi.
Việc dạy học cho các lớp sau đại học ở tỉnh ngoài còn tệ hơn. Có người dạy thì
ít mà đi nhậu với học sinh thì nhiều. Trò thường mời thầy đi ăn nhậu như một
thứ luật bất thành văn. Vì dạy như thế nên thạc sĩ học cũng lơ mơ hoặc không
hiểu gì cả. Có người đi dạy ngoài tỉnh đã tranh nghỉ ngơi luôn thể.
Ở bậc cao học, sự dễ dàng bắt
đầu ngay từ đầu vào. Vào cao học chỉ phải
thì 2 môn và chỉ cần đạt 10 điểm là đủ để trúng tuyển. Kỳ thi đầu
vào cao học khóa 10 năm nay cho kết quả rất tốt: Chuyên ngành quản trị kinh
doanh đỗ 99,6% ; Chuyên ngành Tài chính ngân hàng kế toán: 99%, còn ngành kỹ
năng phần mềm: 97,6%. Kết quả thi tiếng Anh còn ấn tượng hơn. Thí sinh đã thi đều
đạt từ 51 đến 93/100
điểm. Tôi xin được không bình luận về kết quả này. Năm nay chúng ta có (đợt 1)
hơn 500 học viên cao học. Thế là, một bên là nhà trường có học viên; một bên là
người học muốn có bằng- thôi thì, đôi bên cùng có lợi!
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu
trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Rất
nhiều người học thạc sĩ nhằm đạt “những tiêu chuẩn” để sắp xếp, bố trí vị trí
công tác mà cơ quan, đơn vị đã bổ nhiệm. Theo học vì mục tiêu “giữ ghế” thì
nguy cơ bằng thật học giả, học thuê và thuê – thuê học và lãng phí tiền ngân
sách là khó tránh khỏi. Tại một lớp học khóa 7 mà tôi đã dạy có 53 học viên mà
đã có tới 6 người học thuê.
Chất lượng học và luận
văn
Theo đuổi những mục tiêu như trên, lại học trong điều kiện khi đào tạo Thạc sĩ ở Việt Nam là đào tạo ngoài giờ (trường
ta học vào thứ bảy và chủ nhật) không có sự quản lý chặt chẽ (cả tự quản và bị
quản) cho nên dự giờ không đều, nghe giảng và làm bài không nghiêm túc. Đó là
chưa nói đến việc tự học và tự nghiên cứu đã được đặt ở hàng thứ yếu. Tôi đã
từng được mời giảng dậy một số môn cho cao học. Qua thực tế tôi chưa thấy có
lần nào cao học sinh đi dự giờ đầy đủ (thường là chỉ vào khoảng 60 -70%, đó là
chưa kể sau khi điểm danh thì bỏ về). Đó là chưa kể trong khi nghe giảng còn
làm những chuyện không liên quan gì đến buổi học. Học như thế thì tất yếu dẫn
đến kết quả học tập không cao. Tôi có thể nêu ra một vài con số. Tôi cho học
sinh làm bài kiểm tra tại lớp. Khi chấm bài tôi thấy số lượng học viên
chép 100% bài của nhau là 12 /39 bài
kiểm tra. Trong một lớp học khác, tình hình còn kém hơn. Lớp có 46 học viên,
khi làm tiểu luận môn học có tới 19 bài bị điểm “không” ( trong đó 10 bài giống nhau 100%, ); nếu tính tất cả
số bài không đạt yêu cầu thì có tới 27 bài , tức là gần 59%. Cần lưu ý rằng các
bài tiểu luận đều được chuẩn bị và viết ở nhà rồi sau đó đem nộp cho giáo viên.
Thế còn chất lượng luận văn thì sao? Dư luận nói rằng chất lượng không ít các luận văn đều qua công nghệ “xào
nấu” (copy and paste). Trong thực tế khi được đọc các luận văn lần đầu do cao
học viên thực hiện, cũng như khi đọc phản biên luận văn tôi cũng có những nhận
xét tương tự. Có học viên không viết nổi đề cương một luận văn, khi hỏi thế nào
là môi trường vĩ mô và môi trường vi mô (học viên viết trong đề cương) cũng
không trả lời được. Thậm chí có những luận văn được sao chép gần như hoàn toàn
chỉ qua một năm mà không hề bị phát hiện. Có Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ cho 5 học viên
trong đó có tới 3 luận văn mà thành viên Hội đồng thấy không đạt yêu cầu. Có học
viên đi thuê người viết luận văn nhưng sau lại không trả tiền thuê nên bị kiện
có. Tôi còn đọc được trên facebook của Viện sau đại học bài quảng cao viết thuê
luận văn cao học (Luận văn cao học 119). Bài này đã bị xóa sau khi tôi lên tiếng.
Trong vấn đề này lỗi của học viên là chủ yếu ( quá kém, không viết nổi luận
văn) nhưng có phần lỗi do người hướng dẫn khoa học (chưa đủ trình độ về mặt
chuyên môn trong lĩnh vực đề tài được phân công hướng dẫn hoặc quá tắc trách,
thiếu trách nhiệm với nhiệm vụ được phân công). Ngoài ra, sự “lọt lưới” của những
luận văn như thế còn do không có khâu kiểm định ở cấp bộ môn hay phân viện trước
khi luận văn được nộp để làm thủ tục bảo vệ ( Các trường khác nhất thiết phải
có khâu kiểm định này).
Sang
đến khâu bảo vệ luận văn. Đây là khâu cuối cùng trong lịch trình học cao học của
học viên. Đến được khâu này thì học viên đã 90% cầm chắc sẽ có được tấm bằng tốt
nghiệp cao học. Tuy nhiên đối với không ít học viên khâu này đã không qua chót
lọt: Hội đồng chấm luận văn không đồng ý cho bảo vệ vì luận văn không đáp ứng
được yêu cầu chất lượng đề ra; Học viên
không biết trình bày luận văn,không trả lời được được những câu hỏi của Hội đồng
có liên quan trực tiếp đến đề tài luận văn. Trong một lần bảo vệ có 5 luận văn,
Hội đồng đã quyết định không cho bảo vệ hai luận văn, ba luận văn còn lại cũng có
chất rất kém, nhưng chẳng lẽ lại không cho bảo vệ tiếp! Thôi đành cho bảo vệ.
Khi lên bảo vệ có học viên không trả lời được bất cứ câu hỏi nào liên quan đế
luận văn của Hội đồng, kể cả những câu hỏi của các thầy giáo phản biện đã cho
trước. Có học viên viết về “Lao động và các biện pháp nâng cao chất lượng lao động
tại…” nhưng không trả lời được câu hỏi: năng suất lao động là gì và cách tính
năng suất lao động thế nào? V v…
Liên quan đến luận văn cao học có vấn đề về đề tài. Có những tên đề tài đưa ra bảo vệ
trước hội đồng nghe rất khó hiểu kiểu như: Tăng cường phát triển…; Lao động và
giải pháp nâng cao chất lượng lao đông…; Phân tích công việc và bố trí lao động
hợp lý trong doanh nghiêp…; Phân biệt chức năng quyền chủ sở hữu vốn nhà nước với
chức năng quản lý nhà nước đối với một doanh nghiệp…v.v… Có vấn đề này vì quy
trình đăng ký và xét duyệt, quyết định đề tài chưa được tiến hành một cách
nghiêm túc. Tên đề tài luận văn cuối cùng chỉ còn là sự thỏa thuận giữa giáo
viên hướng dẫn và học viên.
Một vấn dề nữa cũng rất bức xúc. Nhiều học viên cao học rất lười tìm kiếm
tài liệu hoặc không biết cách kiếm tài liệu. Nhiều người có tài liệu mà
...không cần đọc, không thích share, không ứng dụng. Điều này ảnh hưởng nghiêm
trọng đến khả năng nghiên cứu khoa học - vốn được coi là bắt buộc đối với bậc
cao học. Thậm chí có khá nhiều học viên không biết cách viết tài liệu tham khảo
hay chỉ viết để lấy có mà không xử dụng gì. Hầu như học viên không dùng các
công cụ thống kê, toán kinh tế vào các nghiên cứu của mình, chưa biết bất cứ một
công cụ xử lý số liệu nào. Ngày nay các công cụ này đã có những phần mền thích ứng
đối với nghiên cứu kinh tế nói riêng và kinh tế xã hội nói chung. Thí dụ, Sản
phẩm SPSS được viết tắt từ Statistical Products for the Social Services, có
nghĩa là Các sản phẩm Thống kê cho các dịch vụ xã hội. SPSS là một hệ thống phần
mềm thống kê toàn diện được thiết kế để thực hiện tất cả các bước trong các
phân tích thống kê từ những thông kê mô tả (liệt kê dữ liệu, lập đồ thị) đến thống
kê suy luận (tương quan, hồi quy…). Đó là chưa kể các phần mềm khác như: STATA,
EVIEW, AMOS và các công cụ khác nữa. Trong số các luận văn mà tôi hướng dẫn hay
phản biện không có bất cứ học viên nào sử dụng các công cụ đó. Không rõ học
viên có được trang bị những kiến thứcnàykhông?
Thử đi tìm nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp.
Ngày 15 tháng 05 năm 2014 bằng văn bản số: 15/2014/TT-BGDĐT,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban
hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ. Trong văn bẳn này tại Điều 2 ghi
rõ mục tiêu đào tạo là: Đào tạo trình độ thạc sĩ
nhằm giúp cho học viên bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức ngành, chuyên
ngành; tăng cường kiến thức liên ngành; có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh
vực khoa học chuyên ngành hoặc kỹ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực
tiễn nghề nghiệp; có khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và có năng
lực phát hiện, giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo”.
Rõ ràng là mục tiêu đào tạo ở đây chỉ đơn
thuần về mặt chuyên môn. Những người được đào tạo chỉ với mục tiêu như vậy chưa
chắc đã có lợi hay ngược lại có hại cho xã hội, cho đất nước, họ có thể làm tốt
công tác chuyên môn nhưng phục vụ cho ai, cho xã hội, cho đất nước hay cho
những người không phải là bạn? Trình độ học vấn càng cao thì cái tâm phải càng
sáng, tính trung thực trong khoa học phải càng cao. Tác hại đem lại cho xã hội
của người có trình độ học vấn cao lớn hon rất nhiều so với người có trình độ
học vấn thấp. Tôi không tin rằng một người đã có hành vi gian lận trong học tập
lại có thể trong sáng ngòai đời, trung thực trong cuộc sống. Do đó cần thiết
phải căn chỉnh lại mục tiêu đào tạo thạc sỹ nói trên. Phải theo khuyên bảo của
Tổ chức văn hóa giáo dục khoa học quốc tế (UNESCO) : “Học để biết, học để làm, học
để chung sống và học để thành người”
Mặt khác, với cách vừa học vừa làm
thì không thể đòi hỏi học viên cao học đọc tài liệu trước khi đến lớp vì họ
cũng phải đi làm để trang trải cuộc sống và tiền học. Thử hỏi trong điều kiện
như thê học viên liệu có thể tiếp thu bài giảng tốt không? Vả lại, nếu giảng
viên đòi hỏi quá cao thì học viên cũng không chịu nổi áp lực, cho dù học viên
cũng muốn đi học để có thêm nhiều kiến thức (ngoài chuyện bằng cấp). Vấn đề này
là tình thế lưỡng nan của học viên và giảng viên. Nếu chúng ta đào tạo tập trung thì chất lượng
sẽ cải thiện thêm nhiều.
Theo chúng tôi, cách tốt nhất để
nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ là không học theo kiểu vừa làm vừa học mà
học tập trung, học viên đi học phải có giấy phép đi học hay xin nghỉ việc để đi
học.
Thực tế hiện nay, nhu cầu đi học thạc
sĩ là có thật và đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để hạn chế những vấn đề bất
cập trong hệ đào tạo này, trước tiên chúng ta phải làm tốt từ khâu tổ chức đến
quản lý. Nếu tổ chức tốt đội ngũ giảng dạy (đủ mạnh và giỏi về chuyên môn),
chương trình, các điều kiện đảm bảo chất lượng thì chắc chắn quản lý đào tạo sẽ
tốt. Mặt khác cần phải nâng cao chất lượng đầu vào. Nếu các
khâu này đều làm tốt, chặt chẽ, nhất định chất lượng đào tạo thạc sĩ của chúng
ta sẽ như mong muốn.
Để khắc phục tình trạng luận văn đưa
ra bảo vệ không đạt yêu cầu, đề nghị trước khi làm thủ tục bảo vệ trước Hội
đồng chấm luận văn nhất thiết luận văn phải được thẩm định,đánh giá ở cấp bộ
môn hoặc phân khoa chuyên ngành. Viện đào tạo sau đại học đã được thành lập 10
năm rồi, đã đến lúc cần có phần mềm quản lý các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ của
trường đào tạo để quản lý tốt hơn. Theo đó tất cả các luận văn đã bảo vệ đều
được lưu vào trong máy tính có mã số để tiện tra cứu. Đó cũng là một công cụ để kiểm tra sự trùng
lắp của các luận văn ( một phần hay toàn bộ)
Về đội ngũ giảng viên: Giảng viên của
trường có thể đảm nhận được tất cả các môn học trong chương trình đào tạo. Đấy
là thuận lợi lớn. Tuy nhiên nếu một người dậy quá nhiều môn, biên tập quá nhiều
tài liệu, giáo trình thì sẽ ảnh hường đến chất lượng Có giảng viên đăng ký dậy
tới 8 môn chuyên ngành, có giáo sư chủ biên hang chục cuốn sách dạy cao học. Vẫn
còn nhiều giảng viên chưa quan tâm tới NCKH nên kiến thức thực tiễn, kiến thức
mới hiện đại chưa được cập nhật thường xuyên. Có không ít giảng viên còn xa lạ
với Internet thì làm sao cập nhật được thông tin kiến thức mới.Với sự phát
triển khoa học công nghệ như hiện nay, đã đến lúc không thể thỏa mãn với những
kiến thức đã tích lũy được. Tất cả những điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới
chất lượng chuyên môn trong giảng dạy, đặc biệt trong hướng dẫn học viên thực
hiện đề tài luận văn. Một số giảng viên do tham gia giảng dạy quá nhiều, chưa
thường xuyên trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn; hạn chế về ngoại ngữ cũng
gây khó khăn cho việc tiếp cận với công nghệ và phương pháp giảng dạy mới; khâu
kiểm tra, đánh giá cho điểm đôi khi chưa sát ../.
Phạm Quang Huấn PGS,TS. Phó chủ nhiệm Khoa QLKD